top of page
  • Linh Le

7 bước lập nên bản kế hoạch tài chính hoàn chỉnh

Kế hoạch tài chính được xem là một trong những nghiệp vụ chính yếu quyết định quá trình vận hành, phát triển và thu hút vốn đầu tư của một doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp phải nắm được tình hình tài chính nội bộ để từ đó hoạch định các kế hoạch tài chính và chiến lược kinh doanh phù hợp.

Nhiệm vụ của kế hoạch tài chính là xác định xem công ty có khả năng đạt được các mục tiêu hay không, từ đó đề ra các chiến lược cụ thể để đạt được chúng. Thường lệ, kế hoạch tài chính được tạo ra dựa trên tầm nhìn và mục tiêu của doanh nghiệp. Kế hoạch tài chính mô tả từng hoạt động, nguồn lực, cũng như thời gian biểu cần thiết để đạt được các mục tiêu.

Lập kế hoạch tài chính khi doanh nghiệp mới thành lập và khi đã hoạt động một thời gian là hai việc hoàn toàn khác nhau. Khi một công ty mới thành lập, nhà lãnh đạo chỉ nên lập bản kế hoạch tài chính cho 1 năm. Sau một thời gian có được các dữ liệu tài chính đáng tin cậy, doanh nghiệp đó mới nên tạo bản kế hoạch tài chính dài hạn cho 3-5 năm. Có 7 bước nhà lãnh đạo cần thực hiện khi xây dựng kế hoạch tài chính cho doanh nghiệp, cùng TLC tìm hiểu nhé:

Bước 1. Xác định mục tiêu tài chính

Người chủ doanh nghiệp có thể xác định được mục tiêu tài chính nội tại bằng cách tự giải đáp những câu hỏi sau: Mục tiêu đầu tư là gì? Nguồn vốn doanh nghiệp cần bỏ ra để đầu tư là bao nhiêu? Lựa chọn phương thức đầu tư nào? Đầu tư dài hạn hay ngắn hạn? Kỳ vọng sau khi đầu tư là gì? Khi giải đáp được những câu hỏi trên, người lãnh đạo sẽ dễ dàng vạch ra phương hướng cho các bước tiếp theo.

Mục tiêu tài chính có thể được thiết lập theo mục tiêu cá nhân của ban lãnh đạo, nhưng khi hiểu rõ được thực trạng tài chính cũng như khả năng tài chính của công ty trong tương lai, ban lãnh đạo cần suy xét kỹ lưỡng để đưa ra mục tiêu dài hạn phù hợp nhất dựa trên tình hình doanh nghiệp.

cac-buoc-lap-ke-hoach-tai-chinh
Các bước lập kế hoạch tài chính

Bước 2. Thu thập báo cáo tài chính

Kế hoạch tài chính là một phần của quản lý tài chính, chính vì vậy hoạt động này đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiên cứu trước khi bắt tay vào xây dựng. Không nên bỏ sót bất kì một thông tin nào liên quan đến các vấn đề tài chính. Do đó, bước tiếp theo mà người lãnh đạo cần thực hiện là thu thập báo tài chính từ bộ phận kế toán. Bản báo cáo tài chính càng chính xác, rõ ràng thì việc phân tích càng trở nên dễ dàng và chuẩn xác hơn.

Bước 3. Phân tích báo cáo tài chính để xác định giá trị ròng, dòng tiền hiện tại

Để phát triển một bản kế hoạch tài chính tốt có thể hỗ trợ tầm nhìn và mục tiêu của tổ chức, thì nhiệm vụ tất yếu là phải xác định rõ ràng tài sản ròng và dòng tiền hiện tại của doanh nghiệp. Giá trị ròng và dòng tiền hiện tại của doanh nghiệp càng được thể hiện và tính toán kỹ lưỡng, đồng nghĩa với việc khả năng thành công của kế hoạch tài chính càng được gia tăng.

Phương pháp tối ưu nhất để xác định giá trị ròng và dòng tiền hiện tại của doanh nghiệp chính là người lãnh đạo cần có khả năng đọc và hiểu rõ được các báo cáo tài chính nội bộ, bao gồm: báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, bảng cân đối kế toán, và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Doanh nghiệp không thể xây dựng kế hoạch tài chính khi không nắm rõ dòng tiền của họ đã và sẽ chảy về đâu trong vòng một tháng. Việc xem lại các tài liệu báo cáo sẽ giúp nhà lãnh đạo phân định rõ ràng giữa các khoản phải chi, khoản tiết kiệm cho quỹ dự phòng và đầu tư dự tính là bao nhiêu, thậm chí có thể cắt giảm nếu cần thiết.

Từ đó có thể tạo nên bản dự toán tài chính, cũng như kế hoạch tài chính của công ty trong một khoảng thời gian nhất định. Bản dự toán tài chính được tạo ra từ các bản báo cáo tài chính. Dự toán tài chính giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc định hình tình hình của công ty trong tương lai và dễ dàng tạo ra mục tiêu phù hợp cho những năm tới.

Bước 4. Lập kế hoạch tài chính hỗ trợ mục tiêu dài hạn

Kế hoạch tài chính sẽ quyết định chiến lược tài chính của doanh nghiệp trong tương lai. Nguồn vốn nên được đầu tư vào đâu để công ty phát triển tốt nhất, có cần phải huy động thêm vốn hay không, nếu huy động thêm vốn thì cần bao nhiêu tiền và thời gian công ty có thể chi trả là bao lâu. Tất cả những chiến lược dòng tiền sẽ được định ra rõ ràng trong bản kế hoạch tài chính.

Bước 5. Phát triển kế hoạch tài chính

Khâu phát triển kế hoạch tài chính bao gồm các mục sau: giải thích những ưu và nhược điểm của kế hoạch, hiểu biết về luật thuế và hệ thống tài chính, xem xét các vấn đề về sức khỏe và an toàn lao động, v.v

Bước 6. Triển khai kế hoạch tài chính

Việc thực hiện kế hoạch là bước cốt lõi trong quá trình xây dựng, có thể sẽ mất từ 4-6 tháng để triển khai kế hoạch đã định. Ở giai đoạn này, các chi tiết phức tạp liên quan đến thuế, bảo hiểm…cần được chú trọng nhiều nhất, nhà lãnh đạo có thể tham vấn từ luật sư để đưa ra quyết định phù hợp với doanh nghiệp. Nếu kế hoạch tài chính được xây dựng một cách mỉ và chuyên nghiệp, thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều lời đề nghị hợp tác.

Bước 7. Giám sát kế hoạch tài chính

Trong quá trình triển khai, chủ doanh nghiệp cũng cần theo dõi và giám sát từng bước thực hiện. Các bản đánh giá danh mục đầu tư, bản cập nhật bảo hiểm, bản lựa chọn đầu tư, thuế và các bản báo cáo về tình hình thị trường…là những tài liệu đòi hỏi sự quan sát kỹ lưỡng nhằm dự đoán và kịp thời tránh các rủi ro có thể xảy ra.

Hy vọng thông qua bài viết này, TLC đã đem đến cho quý độc giả nhiều thông tin hữu ích cho quá trình vận hành, phát triển và thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp. Đừng quên đồng hành cùng chúng tôi trong những bài viết tiếp theo. Thân ái!

0 bình luận

Comments


bottom of page