Quản lý tài chính dần trở nên hết sức quan trọng trong mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp SMEs khi đứng trước bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều biến động đến từ đại dịch Covid-19. Thế nên việc quản lý tài chính trong doanh nghiệp tốt là một điều bắt buộc để các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động và phát triển bền vững. Tuy nhiên có 3 điểm mà doanh nghiệp cần lưu ý để thi hành chính sách quản lý tài chính bền vững nhằm giúp giữ vững mục tiêu, lẫn duy trì sự ổn định của doanh nghiệp trên thị trường. Hãy cùng tìm hiểu 3 điểm này thông qua bài viết sau của TLC!
Thông thường, mục tiêu cuối cùng mà tài chính doanh nghiệp hướng tới chính là nhằm tạo ra các dòng tiền vào lớn hơn các dòng tiền ra, qua đó làm tăng giá trị cho doanh nghiệp. Nói cách khác, các nhà quản trị tài chính phải lựa chọn và thực hiện các dự án đầu tư sao cho luồng thu nhập tạo ra từ các dự án đó phải lớn hơn chi phí bỏ ra để huy động vốn tài trợ cho các dự án, qua đó làm gia tăng giá trị của các khoản đầu tư của các chủ đầu tư vào doanh nghiệp. Thế nên việc duy trì được tình hình tài chính ổn định và tích cực là một điều không hề dễ và với bối cảnh Covid-19 đang ảnh hưởng trực diện sâu sắc đến nền kinh tế như hiện nay, thì đây vẫn là một bài toán khó đối với mọi doanh nghiệp.
Cần lưu ý là hoạt động tài chính trong doanh nghiệp thông thường được chia làm hai nhóm hoạt động cơ bản là kiểm soát (controller) và ngân quỹ (treasurer). Bộ phận kiểm soát có nhiệm vụ theo dõi các chi phí sản xuất kinh doanh, kế toán tài chính, thanh toán thuế và quản trị thông tin tài chính (là nhiệm vụ của các phòng Kế toán tài vụ tại doanh nghiệp). Bộ phận ngân quỹ có nhiệm vụ quản lý tiền mặt (các luồng vào, ra), quản lý các hoạt động tín dụng (cho vay và đi vay) của doanh nghiệp, lập kế hoạch tài chính và đầu tư. Việc quản trị tài chính doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở phần quản lý ngân quỹ.
Bên cạnh đó quản trị tài chính quan tâm nhiều hơn tới vấn đề thời điểm diễn ra của nguồn tiền (timing of cash flows) do tồn tại yếu tố giá trị thời gian của đồng tiền và rủi ro luồng tiền (risk of cash flows) vì số lượng và thời điểm luồng tiền nhận được không thể chắc chắn lẫn cố định trong mọi doanh nghiệp.
Thế nên để có thể quản lý tài chính tốt, thì doanh nghiệp cần đặc biệt hết sức lưu ý vào 3 điểm sau đây để từ đó có thể dễ dàng hoạch định kế hoạch nhằm đạt được những mục tiêu mà doanh nghiệp mong muốn.
1. Lập kế hoạch đầu tư quản lý tài chính - “Capital Budgeting"
Đây là quá trình lập kế hoạch và quản lý các dự án đầu tư dài hạn của doanh nghiệp. Việc lập kế hoạch quản trị tài chính sẽ phát hiện ra các cơ hội đầu tư có khả năng đem lại thu nhập nhiều hơn chi phí tài trợ cho việc thực thi hoạt động đầu tư đó. Một cách cụ thể hơn là nhà quản trị phải lên được kế hoạch mua sắm, chi tiêu cho dự án, không chỉ bao gồm những chi tiêu ban đầu mà cả các chi tiêu trong suốt quá trình thực hiện dự án, phải dự tính được những thay đổi trong chi phí.
Đồng thời, doanh nghiệp phải dự tính được doanh thu, lợi nhuận trong suốt vòng đời của dự án. Điểm quan trọng nhất là qua đó phải xác định được thời điểm (timing) diễn ra các luồng tiền vào ra doanh nghiệp, giá trị (size) của các luồng tiền đó cũng như những rủi ro (risk) gắn với các luồng tiền, trên cơ sở đó đánh giá được mức sinh lời của dự án cũng như có các biện pháp quản trị thích hợp nhằm kiểm soát rủi ro để có được những luồng tiền đúng như dự tính cả về giá trị lẫn thời điểm.
2. Xác định cấu trúc vốn tài trợ - ”Capital Structure”
Đây là quá trình xác định cách thức để doanh nghiệp có thể huy động được nguồn vốn đầu tư dài hạn cũng như quản lý nguồn vốn đó. Nguồn vốn huy động của doanh nghiệp cho các dự án đầu tư dài hạn tồn tại dưới hai dạng: vốn góp của các cổ đông và vốn vay.
Để quản trị tài chính tốt, doanh nghiệp cần phải xác định được cấu trúc vốn huy động sao cho vừa đảm bảo giảm thiểu chi phí huy động, gia tăng giá trị cho doanh nghiệp đồng thời vẫn kiểm soát được những rủi ro cho doanh nghiệp. Ví dụ: Nếu tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp mà cao thì sẽ rất có lợi cho doanh nghiệp vì nó có thể giúp gia tăng giá trị doanh nghiệp.
Chẳng hạn, lãi trả cho các khoản nợ được khấu trừ khi tính thuế nên nếu tỷ lệ phần nguồn vốn cho dự án dưới dạng nợ mà cao thì doanh nghiệp sẽ được lợi về thuế. Hơn nữa, trong khi khả năng tạo ra lợi nhuận của từng đồng vốn sử dụng thì được coi là như nhau nhưng lãi trả cho những đồng vốn huy động bằng vay nợ sẽ luôn cố định.
Như vậy cùng một mức sinh lời, nếu tỷ lệ nợ trong nguồn vốn đầu tư mà cao thì doanh nghiệp càng có được nhiều lợi ích để tái đầu tư cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu mà cao thì doanh nghiệp sẽ dễ gặp những khó khăn về tài chính khi dự án không sinh lời như mong muốn.
Hơn thế, các nhà cho vay luôn đòi hỏi lãi suất cao hơn khi thấy tỷ lệ nợ trong nguồn vốn huy động của doanh nghiệp quá cao vì sợ rủi ro. Thậm chí, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong vay vốn. Chính vì thế việc xác định cấu trúc vốn tài trợ là một điều mà mọi doanh nghiệp cần nắm.
3. Quản trị vốn lưu động - “Working Capital Management"
Cuối cùng doanh nghiệp cần lưu ý đến việc quản trị vốn lưu động. Vì hoạt động quản trị vốn lưu động là kiểm soát các tài sản lưu động và nợ ngắn hạn (bao gồm cả nợ dài hạn đến hạn trả) nhằm đảm bảo doanh nghiệp có đủ tiền cho các chi tiêu cho hoạt động của mình. Việc phân tích, nắm rõ và lên kế hoạch sẽ giúp cho doanh nghiệp biết cần phải nắm giữ bao nhiêu tiền, bao nhiêu hàng dự trữ cũng như trường hợp nào thì doanh nghiệp nên bán chịu, thời hạn bán chịu nên là bao lâu và đối tượng nào sẽ được doanh nghiệp bán chịu, v.v.
Việc hiểu rõ được 3 điểm trên khi áp dụng vào quản lý tài chính sẽ giúp cho doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc vận hành hoạt động cũng như quản lý chi phí cho doanh nghiệp một cách cụ thể nhất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ để việc quản lý tài chính trở nên dễ dàng hơn như các phần mềm BPM. Kissflow hiện đang là phần mềm BPM giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý hoạt động tài chính cũng như tích hợp các tính năng CRM và ERP, nhằm giúp cho doanh nghiệp được vận hành một cách trơn tru giữa việc kết nối khách hàng, nhà cung cấp và doanh nghiệp.
Hy vọng bài viết trên đã mang đến cho bạn nhiều thông tin bổ ích. Chúc bạn thành công!
Comentários