top of page

Tham khảo 4 chiến lược có thể giúp doanh nghiệp sống sót trong thời kỳ khủng hoảng

Nền kinh tế thế giới chưa được khôi phục hoàn toàn, do hệ quả của Đại dịch COVID-19 để lại. Các doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn tìm kiếm “sự sống” trước bờ vực phá sản. Hãy tham khảo 4 chiến lược TLC gợi ý dưới đây để có thể vững vàng vượt qua thời kỳ khủng hoảng này nhé!

1. Thực trạng

Có lẽ những hệ lụy mà Đại dịch COVID-19 đem lại, đã ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp trong nước. Nguyên do xuất phát từ việc sản xuất bị đình trệ do giãn cách xã hội, chuỗi cung ứng cũng đứt đoạn dẫn đến biến động trong hoạt động thương mại toàn cầu.

Doanh nghiệp sản xuất thì thiệt hại nặng nề, nguyên nhân đến từ chuỗi hậu quả doanh nghiệp không đáp ứng đúng thời hạn trong hợp đồng dẫn đến mất hợp đồng, mất uy tín, mất khách hàng và phải chịu chôn vốn trong các lô hàng đã sản xuất. Ngành vận tải cũng bị đóng băng do khách hàng không có nhu cầu về vận chuyển.

Một hậu quả nghiêm trọng nhất - chính là “Thất nghiệp”, điều này đã tác động nghiêm trọng và làm mất cân bằng cung cầu. Cung thì nhiều nhưng cầu không sẵn sàng chi trả, có thể thấy rõ biểu hiện này trong các ngành hàng F&B, Fashion.

Doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ không có nguồn thu nhưng vẫn phải gồng gánh nhiều khoản chi phí lớn như mặt bằng, nhân công, lãi vay… dẫn đến phá sản.

2. Chiến lược sống còn của doanh nghiệp

Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng hoạt động dựa trên 3 chỉ tiêu: Doanh thu, Chi phí và Lợi nhuận. 4 chiến lược TLC gợi ý cho bạn dưới đây đều liên quan đến cách thức kiểm soát, gia tăng hoặc cắt giảm 3 chỉ tiêu trên.

2.1. Thay đổi hình thức kinh doanh, tận dụng những gì sẵn có

TLC sẽ đưa ra một ví dụ cụ thể để bạn dễ hình dung về chiến lược này:

- Các hãng hàng không hiện đang áp dụng chiến lược này, nhằm chống chọi qua mùa dịch COVID. Chi phí để duy trì một doanh nghiệp hàng không là rất lớn, chính vì vậy, họ không đủ khả năng chi trả nếu doanh thu chỉ đến từ số lượng hành khách ít ỏi.

- Lúc này, các hãng hàng không cần hiểu rõ thị trường hiện tại đang cần gì và tìm kiếm nguồn doanh thu từ đó. Rõ ràng, sản xuất đang trì trệ nghiêm trọng do chuỗi cung ứng không thể đáp ứng kịp thời. Đây chính là cơ hội cho các hãng hàng không. Thay vì vận chuyển hành khách, họ chuyển sang hình thức vận chuyển hàng hóa.

- Tận dụng đội tàu bay sẵn có, tháo gỡ ghế ngồi trong khoang hành khách để mở rộng không gian, tối ưu hóa công năng vận chuyển. Lợi nhuận của các hãng hàng không là minh chứng rõ nhất trong việc tìm kiếm cơ hội mới từ sản phẩm hiện có của doanh nghiệp.

Để thực hiện được chiến lược này, trước tiên, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ càng về thị trường tiềm năng nào có thể tận dụng được năng suất của sản phẩm hiện có. Sau đó, lên kế hoạch chi tiết để tấn công vào thị trường. Đây có lẽ là chiến lược hữu hiệu nhất dành cho doanh nghiệp.

2.2. Cắt giảm chi phí

Mỗi doanh nghiệp đều có hai loại chi phí đó là chi phí cố định và chi phí biến đổi. Chi phí nhân công là loại chi phí cao nhất nằm trong chi phí biến đổi. Chính vì vậy, để tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp cần điều chỉnh và cắt giảm đi chi phí này.

Cắt giảm không có nghĩa là cho lao động nghỉ việc, vì điều này sẽ gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và góp phần làm suy thoái kinh tế. Mà điều cần thiết phải làm, đó là cơ cấu lại sơ đồ nhân sự, loại bỏ những hạng mục không cần thiết và phân bổ nhân sự vào nhóm các công việc đang đem lại hiệu quả tài chính cho doanh nghiệp.

Có thể xem xét đến phương án trong ngắn hạn là cho các bên thứ ba thuê lại nhân sự, đây là cách giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí đáng kể mà vẫn không gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

2.3. Quản lý nguồn thu theo quy tắc 50-30-20

Muốn duy trì trạng thái kinh doanh ổn định, doanh nghiệp cần kiểm soát nguồn doanh thu theo quy tắc 50-30-20. Cụ thể như sau:

- Sử dụng 50% doanh thu cho các khoản chi tiêu bắt buộc như chi phí cố định, mua nguyên vật liệu đầu vào, chi phí nhân công…

- Sử dụng 30% doanh thu cho các dự định, mong muốn của doanh nghiệp như mở rộng quy mô, gia tăng sản xuất… hoặc đầu tư kiếm thêm lợi nhuận.

- Tiết kiệm 20% còn lại để doanh nghiệp luôn trong trạng thái chủ động ứng phó với những rủi ro đến bất ngờ. Mức tối thiểu doanh nghiệp cần tiết kiệm, đó là số tiền này phải đủ để doanh nghiệp duy trì được trong 6 tháng, trước khi doanh nghiệp lấy lại được phong độ.

2.4. Giải quyết dứt điểm các khoản vay

Lãi suất vay nợ là một trong những chi phí gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Để có thể thanh toán dứt điểm các khoản vay đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực từ phía doanh nghiệp. 2 bước quan trọng sau đây sẽ giúp bạn tối thiểu được chi phí:

- Sắp xếp lại các khoản vay của doanh nghiệp dựa trên mức lãi suất theo thứ tự từ cao đến thấp.

- Tổ chức giải quyết dứt điểm lần lượt từng khoản nợ, bắt đầu từ khoản có lãi suất cao nhất. Điều này, có thể sẽ làm mất khá nhiều thời gian của doanh nghiệp. Nhưng xét theo đường dài, doanh nghiệp đã tiết kiệm được một khoản chi phí khổng lồ.

TLC hy vọng qua bài viết này đã đem đến cho bạn những thông tin hữu ích có thể ứng dụng ngay vào doanh nghiệp của mình nhằm ứng phó với đại nạn toàn cầu này. Đừng quên đồng hành cùng TLC trong những bài viết tiếp theo. Thân ái!

10 lượt xem0 bình luận
bottom of page