Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ mang lại nhiều cơ hội lẫn thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thì việc để có đủ năng lực cạnh tranh bắt buộc các doanh nghiệp phải có năng lực tài chính vững mạnh và cần nhận biết được các rủi ro hiện diện, lẫn tiềm năng có thể tác động đến năng lực tài chính của doanh nghiệp. Việc nắm rõ về rủi ro tài chính và nhận diện kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp ổn định an ninh tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và giúp cho chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam (GCI) ngang bằng với khu vực quốc tế.
Tài chính doanh nghiệp được hiểu là tổng hợp các mối quan hệ kinh tế được thể hiện dưới hình thức giá trị giữa doanh nghiệp với các chủ thể khác trong nền kinh tế gắn liền với quá trình tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ nhằm đạt được mục tiêu của doanh nghiệp đề ra.
Việc có một nền tài chính ổn định sẽ giúp cho doanh nghiệp phát huy được hết vai trò và tiềm năng của mình, đồng thời tài chính doanh nghiệp còn đóng nhiêu vai trò quan trọng như huy động và đảm bảo cung cấp vốn và chi phí hợp lý, giúp doanh nghiệp tổ chức sử dụng vốn sản xuất kinh doanh tiết kiệm và hiệu quả, giám sát và kiểm tra thường xuyên một cách chặt chẽ các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó doanh nghiệp cần cân nhắc đến những rủi ro có thể gặp phải thông qua trực tiếp hay gián tiếp sẽ đe dọa đến an ninh tài chính doanh nghiệp và sự ổn định trong quá trình kinh doanh sản xuất lẫn trao đổi thương mại. Một số rủi ro có thể kể đến như sau:
- Rủi ro pháp lý: Xảy ra khi doanh nghiệp nâng khống giá trị tài sản để vay vốn, che giấu lợi nhuận khi khai thuế, che giấu thông tin, báo cáo tài chính không trung thực nhằm gây ảnh hướng tới các shareholders và stakeholders.
- Rủi ro tín dụng: doanh nghiệp chậm trả nợ đến hạn nên bị các tổ chức tín dụng không cho vay mới hoặc cho vay với điều kiện ngặt nghèo hơn.
- Rủi ro thanh khoản: Do năng lực quản lý dòng tiền yếu kém và không có kế hoạch tài chính ổn định để xảy ra thiếu hụt tiền mặt và nguồn vốn cho việc thanh toán nợ đến hạn hay tài trợ cho các hoạt động quan trọng và khẩn cấp,v.v
- Rủi ro nợ xấu: doanh nghiệp bị khách hàng lừa đảo, chiếm dụng vốn,v.v.
- Rủi ro mua hàng: doanh nghiệp ứng trước tiền nhưng nhà cung cấp không giao hàng, hoặc giao hàng sai chất lượng, số lượng…).
- Rủi ro thất thoát: doanh nghiệp bị nhân viên gian lận, tham ô, làm thất thoát tài sản v.v.
Thế nên để nhận diện và giảm thiểu rủi ro tài chính, thì các doanh nghiệp có thể tham khảo các giải pháp gợi ý sau đây và có thể điều chỉnh thích hợp đối với quy mô công ty lẫn tính chất doanh nghiệp. Có thể chia giải pháp thành 2 nhóm vĩ mô và vi mô.
Đối với nhóm giải pháp vĩ mô (macroeconomics):
+Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về an ninh tài chính doanh nghiệp cho các doanh nghiệp.
+Tăng cường hệ thống giám sát tài chính doanh nghiệp.
+Tăng cường quản lý rủi ro thông qua cơ chế trích lập quỹ dự phòng.
+Nâng cao năng lực tài chính và lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp.
+Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với các chiến lược hợp lý và cân bằng giữa nhân lực, cung-cầu từ thị trường.
Đối với nhóm giải pháp vi mô (microeconomics):
+Nâng cao nhận thức về an ninh tài chính cho doanh nghiệp với việc định kỳ tổ chức các buổi thảo luận về an ninh tài chính doanh nghiệp để thu thập ý kiến trong việc đề ra các chiến lược phù hợp với bối cảnh kinh tế.
+Xây dựng chương trình quản lý an ninh tài chính doanh nghiệp dựa trên 4 mục tiêu chính nhận dạng và định lượng độ nhạy cảm của nền tài chính doanh nghiệp, xác định triết lý lẫn phương thức quản lý an ninh tài chính, đánh giá độ hiệu quả và kiểm soát có quy trình.
+Xây dựng đội ngũ chuyên môn phụ trách quản lý an ninh tài chính doanh nghiệp với các bộ phận độc lập hoặc kết hợp với bộ phận kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp.
+Thực hiện các biện pháp phòng, ngừa thiệt hại tài chính khi rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động kinh doanh như mua bảo hiểm, trích lập quỹ dự phòng, sử dụng các công cụ phái sinh.
Việc nhận biết rủi ro và xây dựng được nền tài chính doanh nghiệp bền vững sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm thiểu áp lực, phát triển đúng quy trình đề ra và dễ dàng mở rộng quy mô sản xuất. Có như thế doanh nghiệp sẽ ngày càng phát triển vững mạnh, dễ dàng thích nghi với bất kỳ hoàn cảnh nào và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước lẫn thế giới.
Nguồn: World Bank