top of page

Những điều cần lưu ý khi soạn thảo và ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các giao dịch cũng ngày càng đa dạng và phức tạp hơn, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho các bên tham gia. Chính vì vậy, việc hạn chế các rủi ro ngay từ khi soạn thảo hợp đồng là hết sức quan trọng, nhất là trong hoạt động kinh doanh.


🔎 Hợp đồng mua bán hàng hóa (hợp đồng MBHH) là một dạng cụ thể của hợp đồng mua bán tài sản, thường được ký kết bởi hai bên, nhưng cũng có thể được ký kết giữa nhiều bên khác nhau, tùy thuộc vào loại hàng hóa, tính chất giao dịch; theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.


🔎 Theo quy định tại Điều 24 Luật Thương mại 2005 về hình thức hợp đồng mua bán hàng hoá, thì “Hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng MBHH mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó”.


📌Sau đây là những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình soạn thảo và ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa:


1️⃣ Chủ thể tham gia hợp đồng: Có thể là các cá nhân và tổ chức, bao gồm cả bên bán và bên mua.


Về nguyên tắc, các bên trực tiếp tham gia việc giao kết hợp đồng bắt buộc phải có năng lực chủ thể tương ứng với giao dịch mà họ tham gia. Cần đưa vào hợp đồng các thông tin về chủ thể một cách đầy đủ, có tính xác thực. Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, việc xác định tư cách chủ thể của hợp đồng sẽ phụ thuộc vào pháp luật của Quốc gia nơi chủ thể đó đăng ký.


Trước khi chính thức ký kết, các bên nên có một bộ hồ sơ pháp lý của mỗi bên chủ thể, trong đó lấy Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp làm cơ sở để xác định người có thẩm quyền ký kết hợp đồng. Nếu một bên ký kết ủy quyền cho người khác không phải là người đại diện theo pháp luật thì cần có giấy ủy quyền có hiệu lực kẹp cùng với bản hợp đồng.


2️⃣ Đối tượng hợp đồng: Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa là hàng hóa.


Các thông tin cần có sự mô tả một cách chi tiết, rõ ràng và đầy đủ về hàng hóa, tối thiểu gồm các thông tin như: Số lượng, chủng loại, quy cách, yêu cầu bảo quản, tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn… Hàng hóa phải là loại hàng được phép mua bán trong thương mại.


Việc trình bày thông tin về đối tượng mua bán không chỉ giúp các bên thuận lợi trong quá trình thực hiện hợp đồng mà còn có thể giúp bên thứ ba (trọng tài, Tòa án) xác định rõ quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên khi có tranh chấp xảy ra.


3️⃣ Về giá cả hàng hóa: Giá cả của hàng hóa là một trong những nội dung chủ yếu của hợp đồng


Giá cả hàng hóa do các bên tự do thỏa thuận và ghi nhận và hợp đồng. Các bên có thể tách điều khoản về giá cả thành một phụ lục riêng. Các bên khi thỏa thuận về giá cả cần đề cập các nội dung sau: đơn giá, tổng giá trị, phương thức thanh toán, đồng tiền thanh toán và thời hạn thanh toán.


4️⃣ Thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, chuyển rủi ro: Đây là nội dung quan trọng nhất nhưng lại thường bị bỏ quên.


Các bên có quyền thỏa thuận thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa, nếu trong hợp đồng mua bán hàng hóa có quy định về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu thì thời điểm chuyển giao quyền sở hữu đối với hàng hóa thực hiện theo thỏa thuận của các bên, nếu không có thỏa thuận thì quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang cho bên mua từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao.



Hy vọng bài viết đã đem đến những thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo và ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa. Đừng quên đồng hành cùng TLC trong những bản tin tiếp theo. Thân ái!


Nguồn tham khảo: Thư Viện Pháp Luật

0 lượt xem0 bình luận
bottom of page