top of page

Khái niệm năng lực nhân sự và tầm quan trọng của hoạt động đánh giá năng lực nhân sự

Năng lực nhân sự là gì? Đánh giá năng lực nhân sự là gì và hoạt động này có tầm quan trọng như thế nào đối với doanh nghiệp? Bài viết dưới đây của TLC sẽ chia sẻ đến bạn những kiến thức về hoạt động đánh giá năng lực nhân sự, cùng tìm hiểu ngay nhé!

1. Khái niệm năng lực nhân sự

Theo một cách tổng quan thì "Năng lực là đặc tính có thể đo lường được của kiến thức, kỹ năng, thái độ, các phẩm chất cần thiết để hoàn thành được nhiệm vụ. Năng lực là yếu tố giúp một cá nhân làm việc hiệu quả hơn so với những người khác.” – theo Cục quản lý nhân sự (Office of Personnel Management).


Theo khái niệm này, năng lực thường bao gồm 3 nhóm yếu tố: A-S-K tương đương Thái độ, Kỹ năng, Kiến thức.

  • Thái độ (Attitude): Mô tả cách nhìn nhận về công việc, về nhiệm vụ, về đồng nghiệp và về cộng đồng. Thái độ chi phối cách ứng xử, hành vi và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhân sự

  • Kỹ năng (Skill): Mô tả những khả năng chuyên biệt của một cá nhân về một hoặc nhiều khía cạnh nào đó được sử dụng để giải quyết tình huống hay công việc phát sinh trong thực tế.

  • Kiến thức (Knowledge): Mô tả những thông tin, sự kiện, quy luật thuộc lĩnh vực được học và nghiên cứu từ trường lớp hoặc được tích lũy từ thực tế, từ các nguồn tư liệu hoặc từ các chuyên gia có kinh nghiệm.

  • Năng lực có thể được hình thành do tư chất tự nhiên của cá nhân. Tuy nhiên năng.lực phần lớn được bồi đắp, nâng cao qua quá trình nỗ lực học hỏi, luyện tập, trau dồi kiến thức và kỹ năng.


2. Đánh giá năng lực nhân sự


Từ khái niệm trên, chúng ta có thể hiểu đánh giá theo năng lực là đánh giá kiến thức, kỹ năng và thái độ của nhân viên, nhằm các mục đích có ý nghĩa của doanh nghiệp, tổ chức.


Đánh giá năng lực đối với cán bộ nhân viên tại doanh nghiệp thường được lựa chọn dựa theo phương pháp, cách thức, quy trình. Điều này được thực hiện bởi các chuyên gia hay cá nhân có thẩm quyền đánh giá. Từ đó, doanh nghiệp có thể thu thập thông tin về thực trạng năng lực, xác định tiềm năng phát triển của nhân sự. Năng lực không phải yếu tố có thể thay đổi nhanh chóng hay ngay lập tức. Năng lực phải trải qua quá trình rèn luyện, học tập, tích lũy trong thời gian đủ dài để “ngấm” kiến thức. Do vậy, đánh giá năng lực cho một hoặc nhóm nhân sự thường tối thiểu cách nhau 6 tháng đến 1 năm trở lên.

3. Tại sao cần phân loại nhân viên theo năng lực?

Dựa trên kết quả năng lực của nhân viên, doanh nghiệp có thể phân loại nhân viên theo mức độ đáp ứng chuẩn năng lực. Từ đó có thể đề ra các phương án phù hợp để phân công giao việc, đào tạo, thuyên chuyển, bổ nhiệm hay sử dụng nhân sự một cách hợp lý.


Việc thống kê, phân loại trong quản lý nhân sự vô cùng quan trọng. Mỗi nhóm đối tượng khác nhau sẽ có cách thức, biện pháp quản lý, nâng cao hay khai thác khác nhau. Điều này tránh tình trạng gói gọn năng lực nhân sự toàn công ty thành một cấp độ, tạo ra khoảng cách quá lớn giữa năng lực các nhân viên. Bên cạnh đó, việc quản lý hay khai thác tiềm năng nhân sự sẽ không đạt hiệu quả cao. Giống như trong đào tạo, hiệu quả đào tạo sẽ cao hơn khi học viên được đánh giá và phân chia các trình độ của học viên.


Các cấp độ đáp ứng chuẩn năng lực được phân chia thường thấy tại các doanh nghiệp:

  • Đáp ứng 100% chuẩn năng lực trở lên

  • Từ 85% – dưới 100% chuẩn năng lực

  • Từ 75% – dưới 85% chuẩn năng lực

  • 60% – dưới 75% chuẩn năng lực

  • Dưới 60% chuẩn năng lực


năng lực nhân sự
Nguồn: Internet

4. Các phương pháp đánh giá năng lực


Thông thường, chúng ta sẽ bắt gặp 3 phương pháp đánh giá năng lực như sau:


Đánh giá thông qua kiểm tra


Phương pháp đánh giá năng lực qua kiểm tra được thực hiện dưới hình thức các bài test online hoặc trắc nghiệm online; Kiểm tra qua thực hành thực tế theo tình huống; Phỏng vấn trực tiếp người được đánh giá. Hoạt động này thường được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Đa số các doanh nghiệp sẽ sử dụng các phần mềm nhân sự hỗ trợ để tối ưu hoá công việc này.

  • Ưu điểm: Thấy rõ được thực tế năng lực của nhân sự tương đối đầy đủ, chi tiết cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ

  • Nhược điểm: Tốn thời gian, tốn chi phí, vì doanh nghiệp cần thiết kế bài kiểm tra chi tiết đến từng vị trí, cá nhân cũng như tốn nhiều chi phí của thiết kế, triển khai, thực hiện đánh giá cho toàn bộ doanh nghiệp


Đánh giá theo checklist


Checklist là một loạt các câu hỏi nhằm đánh giá năng lực thực hiện công việc của nhân viên do đội ngũ nhân sự đặt ra. Các câu hỏi này sẽ được đặt dưới hình thức “có/không”, nhằm thu thập ý kiến của người quản lý về năng lực của một nhân viên cụ thể nào đó.

  • Ưu điểm: đơn giản, cô đọng

  • Nhược điểm: có nguy cơ thông tin thiếu khách quan, không chính xác


Phương pháp khung năng lực


Phương pháp này được thực hiện trên cơ sở quan sát hành vi thực hiên công việc của nhân viên, dựa trên Từ điển năng lực (TĐNL) hành vi và đánh giá dựa trên khung năng lực. Trong đó, từ điển là tập hợp mô tả năng lực của các nghề nghiệp có trong doanh nghiệp


Người đánh giá sẽ sử dụng tờ kiểm tra hành vi và cho điểm kiểm tra mọi hành động của nhân viên mà mình quan sát được. Để đảm bảo tính chính xác, những hành vi được nêu trong TĐNL cần phải đảm bảo có thể quan sát, theo dõi, chứng minh, ghi nhận được. Người đánh giá cần có thời gian để quan sát đủ lâu để có thể đánh giá hành vi của người được đánh giá. Chính vì vậy, phương pháp này được xem là phương pháp đánh giá quá trình

  • Ưu điểm: Thấy rõ được các hành vi của nhân viên; Giảm được tối đa sự cảm tính của người đánh giá vì đánh giá theo hành vi quan sát được.

  • Nhược điểm: Xây dựng những thang điểm này thường tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc. Đôi khi công việc ghi chép bị bỏ qua. Người lao động không thoải mái khi biết rằng người lãnh đạo ghi chép lại những hành vi yếu kém của mình.

5. Vai trò của việc đánh giá năng lực nhân sự


Dưới đây là những vai trò quan trọng mà bạn không thể bỏ qua, bao gồm:

  • Giúp doanh nghiệp đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên trong quá khứ và nâng cao hiệu quả làm việc trong tương lai.

  • Giúp doanh nghiệp xác định nhu cầu đào tạo và phát triển nhân viên.

  • Để đánh giá năng lực tiềm năng và khả năng thăng tiến trong tương lai của nhân viên

  • Để đặt mục tiêu và xây dựng kế hoạch hành động nhằm giúp nhân viên định hướng nghề nghiệp

  • Để làm cơ sở xác định mức lương

  • Tăng động lực làm việc cho nhân viên

  • Để nhận được phản hồi của nhân viên về phương pháp quản lý và chính sách của doanh nghiệp.


Qua bài viết ta có thể thấy đánh giá năng lực nhân sự là một công việc vô cùng quan trọng và có ý nghĩa trong hoạt động quản lý nhân sự tại doanh nghiệp. Hy vọng bài viết của TLC đã cung cấp cho bạn thêm góc nhìn tổng quan và mong rằng thông tin sẽ hữu ích cho doanh nghiệp của bạn. Thân ái!


Sưu tầm & Tổng hợp

6 lượt xem0 bình luận
bottom of page