top of page

Kiểm soát dòng tiền hiệu quả để tránh rơi vào “Bế tắc hậu giãn thuế”

Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52, đây được xem là “chiếc phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp vượt qua đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính do hệ quả của đại dịch COVID-19 để lại. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lại lo sợ sẽ rơi vào bế tắc sau khi thời kỳ gia hạn kết thúc. Hãy theo dõi thông tin này trong bài viết dưới đây cùng TLC nhé!

Nghị định 52/2021/NĐ-CP được ban hành ngày 19/04/2021, cho phép một số đối tượng doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành kinh tế được gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.

Mặc dù, ngay khi nghị định được ban hành, đã “trút bỏ” toàn bộ áp lực của các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Song, một số doanh nghiệp lại lo ngại rằng, việc giãn thuế tạm thời có thể gây ra gánh nặng tài chính bị cộng dồn.

Buổi tọa đàm có tên “Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất” diễn ra vào ngày 17/6, được tổ chức bởi Cổng Thông tin Điện tử Chính Phủ, đã chủ động giải đáp kịp thời các vướng mắc, phản hồi của doanh nghiệp sau hơn 1 tháng nghị định được ban hành.

Khách mời tọa đàm có bà Nguyễn Thị Thu Hà - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế), ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Theo đó, ông Phan Đức Hiếu nêu rõ quan điểm cá nh về mặt tích cực của Nghị định 52: “Tác động của dịch COVID-19 làm cho các hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, hoặc không thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Như vậy doanh nghiệp không có nguồn thu, hay doanh thu, dòng tiền vào doanh nghiệp đang bị hạn chế. Doanh nghiệp cần một nguồn lực tài chính để cầm cự và duy trì sản xuất ở mức độ tối thiểu khi dịch bệnh đi qua, họ có thể quay trở lại sản xuất kinh doanh và vẫn cần khoản tiền để trang trải. Như vậy, doanh nghiệp không có nguồn thu, trong khi đó vẫn cần một khoản tiền phải chi trả, thậm chí phải chi thêm nhiều hơn.Trong bối cảnh như vậy, họ cần tiền, trong khi lại không có dòng tiền đó. Nghị định 52 ra đời sẽ giúp DN giải quyết được vấn đề trên.”

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, việc gián đoạn thời hạn thu thuế cho doanh nghiệp, cũng ảnh hưởng không nhỏ cho công việc chi tiêu Ngân sách Nhà nước theo dự toán hàng năm.

Trong buổi tọa đàm, các khách mời cũng đã có những chia sẻ nhằm giải đáp vướng mắc của các doanh nghiệp về việc dồn tiền nộp thuế có thể gây khó khăn cho tài chính công ty trong tương lai gần. Chung quy lại, việc Chính phủ gia hạn thời gian nộp thuế đã hỗ trợ rất lớn vào hoạt động kinh doanh - sản xuất của doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần xác định rõ nghĩa vụ của mình với nhà nước.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị các chiến lược sử dụng dòng tiền hiệu quả và tích lũy một phần doanh thu để luôn trong trạng thái chủ động, hạn chế tình trạng để dồn cục vào cuối hạn và gây mất cân đối tài chính doanh nghiệp. Tại Điều 3 trong Nghị định 52, đã nêu rõ thời gian kết thúc gia hạn thuế và doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó để chuẩn bị kịp thời. Nghị định này cũng được các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng Doanh nghiệp.

Ngoài ra, các chuyên gia còn khuyến nghị doanh nghiệp nên dự trù tất cả các chiều hướng xấu nhất của đại dịch COVID-19 lại tiếp diễn ở tương lai. Việc gia hạn thuế chỉ có thể kéo dài “thời gian sống” tạm thời của doanh nghiệp, vì xét đến diễn biến tiêu cực nếu Việt Nam chưa thể thoát khỏi “lưới vây” của dịch bệnh trong 1 hoặc 2 năm nữa thôi, chắc chắn doanh nghiệp sẽ cạn kiệt nguồn lực và không thể duy trì thêm.

CEO Dolphin Sea Air - ông Trần Đăng Nam đã đề cập đến phương án giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể: “Chúng tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục cân nhắc các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua COVID-19. Ngoài các chính sách tài khóa, tiền tệ được kéo dài thời gian áp dụng, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ đặc biệt với ngành du lịch. Xem xét kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp khách sạn và doanh nghiệp logistics kinh doanh dịch vụ kho bãi trong năm 2021. Xem xét giảm chi phí thuế cầu đường, cảng… với tình hình dịch bệnh hiện nay”.

Mặc dù, Nghị định 52 vẫn còn một số điểm bất cập, chưa giải quyết thỏa đáng được đường dài cho doanh nghiệp nếu dịch bệnh tiếp tục hoành hành trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhìn chung Nghị định đã mang lại những tác động hữu ích đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và thể hiện tinh thần "tương thân tương ái" trong giai đoạn toàn dân đang gồng mình chống dịch.

TLC hi vọng đã giải đáp được thắc mắc và mang đến cho quý độc giả nhiều thông tin hữu ích qua bài viết Kiểm soát dòng tiền hiệu quả để tránh rơi vào “Bế tắc hậu giãn thuế”. Đừng quên đồng hành cùng chúng tôi trong những bài viết tiếp theo. Thân ái!

11 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page