Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Trong đó đã có dự thảo về việc các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn uống, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc… sẽ bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.
Việc các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ cần kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế được đánh giá là một trong những giải pháp nhằm nâng cao sự minh bạch trong quản lý thuế và tạo công bằng trong kinh doanh giữa các nhóm ngành nghề.
Dự thảo dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2020. Cụ thể, các máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế phải là thiết bị điện tử đồng bộ hay một hệ thống nhiều thiết bị điện tử. Hệ thống cần được kết hợp với nhau bằng một phần mềm bán hàng có chức năng cơ bản như tính tiền, lưu trữ các thao tác bán hàng, số liệu bán hàng, in hóa đơn, tra cứu giao dịch, báo cáo giao dịch và được kết nối chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế theo định dạng chuẩn bằng phương thức điện tử.
Đối tượng áp dụng hướng đến là các tổ chức, cá nhân (không bao gồm hộ khoán) hoạt động trong lĩnh vực trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn uống, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, dịch vụ vui chơi – giải trí, đại lý bán lẻ hàng tiêu dùng và trong khối ngành dịch vụ.
Việc liên kết này sẽ giúp cho hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối dễ dàng và phục vụ cho việc chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế theo tiêu chuẩn hệ thống cấp mã của Tổng cục Thuế.
Dự thảo đồng thời quy định: Chi cục Thuế có trách nhiệm khai thác cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền để kiểm soát việc kê khai doanh thu của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đảm bảo phù hợp với các yếu tố chi phí trong kỳ khai thuế.
Hơn hết, cục Thuế có trách nhiệm khai thác cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử để chỉ đạo, kiểm soát Chi cục Thuế trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Bên cạnh đó dự thảo cũng quy định các tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử phải có ít nhất 5 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Và có tối thiểu 10.000 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử hoặc dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử tính đến thời điểm gửi văn bản đề nghị ký hợp đồng Tổng cục Thuế.
Quy định còn yêu cầu doanh nghiệp cung cấp cần có tối thiểu 20 nhân sự trình độ Đại học chuyên ngành về CNTT, và có cam kết bảo lãnh của tổ chức tín dụng với giá trị trên 5 tỷ đồng. Về kỹ thuật, hệ thống cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử kết nối với Tổng cục Thuế 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Thời gian dừng cung cấp dịch vụ không quá 24 giờ trong 1 năm.
Nghị định dự thảo cũng nêu rõ riêng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn và trong trường hợp không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử cũng như không có hạ tầng công nghệ thông tin (không có phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để lập hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế). Thì sẽ được sử dụng hóa đơn giấy do Cục Thuế đặt in trong thời gian tối đa 12 tháng, đồng thời cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử.
Việc áp dụng nghị định này được kỳ vọng giúp tạo ra được một môi trường kinh doanh công bằng, giúp thúc đẩy kinh tế và gia tăng năng lực quản lý của chi cục Thuế.
Hy vọng bài viết đã mang đến cho độc giả những thông tin bổ ích. Đừng quên đón đọc những bài viết tiếp theo. Thân ái!